5 dự đoán về giáo dục trong thời đại AI

Nhờ AI, mô hình giáo dục 1:1 trở thành xu hướng, học tập được cá nhân hóa dễ dàng, và nhiều công cụ đánh giá học tập mới xuất hiện…

Khi OpenAI phát hành chatbot ChatGPT, giáo dục có thể cảm nhận được sức mạnh của ChatGPT gần như ngay lập tức. Giáo dục là một trong những lĩnh vực đầu tiên áp dụng AI. Các chương trình như ChatGPT đã giới thiệu về AI đến hàng triệu trẻ em, giáo viên và quản trị viên. Dưới đây là 5 dự đoán về các tác động của AI tới tương lai của giáo dục.

Mô hình giáo dục 1:1 trở thành xu hướng

Mô hình nhận hướng dẫn học tập 1:1 như dạy kèm, huấn luyện (coaching), cố vấn (mentoring) trước đây thường chỉ dành cho những người khá giả. AI giúp mô hình một thầy một trò này đến với nhiều đối tượng hơn. AI có khả năng đóng vai trò là người dạy kèm trực tiếp cho bất kỳ ai, với điều kiện nó được cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như hỗ trợ về mặt cảm xúc và hành vi.

Trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp người học tiếp cận được các chuyên gia và người nổi tiếng trong giới học thuật. Ví dụ, một nhà khởi nghiệp giai đoạn đầu có thể trò chuyện với phiên bản AI của Marc Andreessen (tác giả trình duyệt web Mosaic, đồng sáng lập Netscape) theo yêu cầu – như cách công ty khởi nghiệp Delphi đang phát triển ứng dụng AI. Hay ứng dụng Historical Figures trên App Store hiện nay lại cho phép người dùng trò chuyện với các nhân vật lịch sử quan trọng như Abraham Lincoln, Plato và Benjamin Franklin phiên bản AI.

Học tập cá nhân hóa trở thành hiện thực

Với AI, các chương trình giảng dạy đều có thể cá nhân hóa, từ phương thức và nhu cầu học tập (ví dụ hình ảnh, văn bản, âm thanh) đến các loại nội dung (ví dụ nhân vật yêu thích, thể loại yêu thích). AI có thể hỗ trợ lấp đầy các lỗ hổng kiến thức của người học chính xác hơn: phần mềm có thể theo dõi kiến thức của người học, kiểm tra tiến độ, rồi lặp lại hoặc định dạng lại nội dung tùy chỉnh cho người học dựa trên kiến thức và lỗ hổng kiến thức của người đó.

Sự điều chỉnh giáo dục theo hướng cá nhân hóa sẽ khiến người học tham gia học tập cao hơn. AI cũng giúp giải quyết tốt hơn trước các đối tượng học khác nhau – từ những người học giỏi đến những đứa trẻ chậm hiểu về một khái niệm hoặc chủ đề cụ thể, từ những học sinh ngại giơ tay phát biểu trong lớp học đến những học sinh có nhu cầu học tập đặc biệt…

Công cụ hỗ trợ AI cho cả giáo viên và học sinh được gia tăng

Sinh viên và các nhà giáo là những người tạo ra xu hướng tự nhiên cho các phần mềm tăng năng suất công việc. Trên thực tế, đây là những người đầu tiên dùng sản phẩm của các công ty khởi nghiệp như Canva và Qualtrics để thu thập dữ liệu hay xây dựng niên giám… Các sinh viên tại Đại học Western Australia (nơi những người sáng lập Canva theo học) đã chọn nền tảng thiết kế Canva để xây dựng kỷ yếu cho trường mình.

Các công cụ AI cũng hỗ trợ hiệu quả cho các giáo viên, nhất là giáo viên công lập – những người luôn bị quá tải công việc, khiến họ không có nhiều thời gian để theo sát học sinh. AI có thể hỗ trợ giáo viên soạn giáo án, chấm điểm, khi nó được học từ hàng triệu tài liệu giáo dục trước đó. Được giải phóng thời gian, giáo viên có thể tập trung dành sự quan tâm cá nhân cho từng học sinh.

Các công cụ đánh giá học tập mới sẽ được phát triển

Kể từ khi ChatGPT xuất hiện, các nhà giáo dục cộng đồng đã bắt đầu tranh luận về cách thức đánh giá học tập, tuyển sinh. Nhiều trường học trên khắp thế giới, trong đó có New York, Seattle hiện đã cấm ChatGPT và các trang web viết về AI có liên quan khác.

Trong khi đó, nhiều nhà giáo dục cho rằng nên tích hợp ChatGPT vào học tập, và việc tận dụng AI sẽ là một kỹ năng nghề nghiệp quan trọng trong tương lai. Để nhận ra điều này, chúng ta cần thực hiện một loạt điều chỉnh trong lớp học và cách đánh giá kết quả học tập.

Những phản ứng trước ChatGPT cũng giống như cách thế giới đón nhận hàng loạt công nghệ khác như Wikipedia, máy tính, internet, máy tính xách tay cá nhân… Cuối cùng, các sản phẩm này đều trở thành công nghệ quan trọng cho học tập. Tuy nhiên, một vấn đề cần xem xét là việc tiếp cận với công nghệ này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giáo dục. Các học sinh được tiếp cận công nghệ giáo dục sẽ có lợi thế hơn. Khoảng cách giữa các học sinh được tiếp cận và không được tiếp cận công nghệ AI sẽ tiếp tục gia tăng.

Kiểm tra thực tế sẽ trở nên quan trọng khi “sự thật” bị bóp méo

“Sự thật” trong thời đại AI là một vấn đề cần được quan tâm. Các thuật toán được tạo trên dữ liệu có sẵn, nhưng tất cả dữ liệu này hiện vẫn chịu sự đánh giá và hành vi của con người. Điều này có nghĩa là các thành kiến xã hội, từ phân biệt chủng tộc, giới tính… có thể được đưa vào các thuật toán, và những thành kiến này sẽ tiếp tục được khuếch đại nếu thiếu sự cẩn trọng về đạo đức trong thiết kế.

Trong môi trường đầy thành kiến, AI hoàn toàn có thể cung cấp thông tin sai sự thật (hoặc sự thật hay tin tức giả mạo). Các câu trả lời do AI tạo ra ngày nay đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể dễ dàng soạn ra văn xuôi mạch lạc và có thể đánh lừa chúng ta tin rằng các thông tin được cung cấp là chính xác và đúng sự thật. Làm cách nào để chúng ta quản lý nội dung chất lượng cao và thực sự chính xác trong thời đại mà bất kỳ ai (bao gồm cả trí tuệ nhân tạo) đều có thể tạo ra các nội dung, thông tin? Lúc này, các phương thức kiểm tra thực tế sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *